You are here:

Phong cách Lãnh đạo Hiện đại: Phần 2 – Lãnh đạo Thích ứng

Trong bối cảnh VUCA và BANI toàn cầu hiện nay, phong cách Lãnh đạo Thích ứng là cách tiếp cận thực tiễn và toàn diện để quản lý đội ngũ và doanh nghiệp hiệu quả, vượt qua sự bất ổn, hướng tới tương lai thịnh vượng và bền vững.
Picture of OKR.BUSINESS

OKR.BUSINESS

Nền tảng huấn luyện và đào tạo nhân tài
Adaptive Leadership

Thế giới hiện đại với tốc độ thay đổi chóng mặt đòi hỏi các nhà lãnh đạo không chỉ giỏi ứng biến với tình huống kinh doanh mà còn biết cách dẫn dắt sự thay đổi của tập thể. Những tiến bộ công nghệ đột phá, biến động kinh tế, và các kỳ vọng ngày càng khắt khe của khách hàng đang đặt ra áp lực lớn lên các tổ chức trong quy mô kinh doanh toàn cầu. Phong cách Lãnh đạo Thích ứng xuất hiện như một lối đi chiến lược, thực tiễn và hiệu quả, giúp các nhà quản lý không chỉ vượt qua mà còn khai thác sự biến động như một cơ hội phát triển.

Về Phong cách Lãnh đạo Thích ứng

Lãnh đạo Thích ứng, phát triển bởi Tiến sĩ Ron Heifetz và Marty Linsky tại Đại học Harvard, là một phong cách lãnh đạo mang tính đột phá. Không giống với các phương pháp quản lý truyền thống vốn chủ yếu tập trung vào giải pháp kỹ thuật, Lãnh đạo Thích ứng hướng đến việc giải quyết các “thách thức thích ứng” xoanh quanh những vấn đề đòi hỏi thay đổi sâu rộng về tư duy, giá trị và hành vi. Đây là một hành trình học hỏi liên tục, vượt qua vùng an toàn và yêu cầu sự hợp tác, sáng tạo từ tất cả các bên liên quan.

Adaptive Leadership

Lãnh đạo Thích ứng, một trong những phong cách lãnh đạo hiện đại và hiệu quả nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày nay

Những hình mẫu lãnh đạo thích ứng trong thực tiễn

Để minh họa rõ nét và dễ hình dung hơn về Phong cách Lãnh đạo Thích ứng, 03 ví dụ sau là hình mẫu cụ thể về những nhà lãnh đạo xuất sắc trên thế giới đã minh chứng cho sức mạnh của phong cách này.

1. Bill Gates – Đồng sáng lập Microsoft và Nhà hoạt động từ thiện:

  • Tình huống: Sau khi rời khỏi vị trí điều hành tại Microsoft, Bill Gates đã chuyển hướng sang hoạt động từ thiện thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates. Ông đối mặt với “thách thức thích ứng” trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách như nghèo đói, bệnh tật và biến đổi khí hậu.
  • Hành động: Gates đã áp dụng tư duy kinh doanh và góc nhìn chiến lược để phân tích các vấn đề xã hội một cách bài bản và hệ thống. Ông tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, bền vững, kết hợp đồng thời giữa công nghệ, y tế và giáo dục. Ông cũng chủ động “xây dựng liên minh” với chính phủ nhiều quốc gia, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân để tối đa hóa tác động.
  • Kết quả: Quỹ Bill & Melinda Gates đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phòng chống bệnh tật (như bại liệt, sốt rét), cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

2. Jacinda Ardern – Thủ tướng New Zealand:

  • Tình huống: Khi đối mặt với đại dịch COVID-19, bà Ardern đã thể hiện khả năng lãnh đạo thích ứng xuất sắc. Bà nhanh chóng áp dụng góc nhìn chiến lược để đánh giá tình hình, nhận ra đây là một “thách thức thích ứng” đòi hỏi cần có sự thay đổi sâu rộng trong hành vi của người dân.
  • Hành động: Bà Ardern đã cương quyết áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, đồng thời giao tiếp minh bạch và đồng cảm với người dân. Bà không ngần ngại “thực thi vai trò lãnh đạo” vượt ra khỏi “quyền lực” thông thường, kêu gọi sự đoàn kết và hy sinh vì lợi ích chung.
  • Kết quả: New Zealand đã kiểm soát thành công đại dịch, bảo vệ được sức khỏe cộng đồng và duy trì sự ổn định kinh tế – xã hội trong thời gian cấp bách cần thiết.

3. Satya Nadella – CEO Microsoft:

  • Tình huống: Khi tiếp quản Microsoft, Nadella phải đối mặt với một “thách thức thích ứng” lớn: Công ty đang mất dần vị thế thống trị trong lĩnh vực công nghệ, văn hóa doanh nghiệp trì trệ, thiếu sự đổi mới.
  • Hành động: Nadella đã “thay đổi luật chơi” bằng cách thúc đẩy tinh thần học hỏi, hợp tác và chú trọng vào “tư duy tăng trưởng”. Ông mạnh dạn đầu tư vào điện toán đám mây (Azure), khuyến khích phát triển đa dạng sản phẩm mới, đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp cởi mở và sáng tạo phạm vi toàn cầu.
  • Kết quả: Microsoft đã “hồi sinh” mạnh mẽ, trở lại vị thế của một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới với giá trị vốn hóa thị trường khổng lồ (hơn 2,700 tỷ USD vào năm 2023)
Adaptive Leadership

Bill Gates, Jacinda Ardern và Satya Nadella là những nhà lãnh đạo tiêu biểu cho phong cách Lãnh đạo Thích ứng

05 Nguyên tắc Cốt lõi của Lãnh đạo Thích ứng

1. Góc nhìn Chiến lược

Nhà lãnh đạo cần có góc nhìn đủ bao quát về bức tranh toàn cảnh trong mỗi sự việc, từ đó đưa ra những quyết định chiến lược một cách đúng đắn. Điều này đòi hỏi khả năng phân tích, nhận biết động lực và ưu tiên các vấn đề trọng yếu.

Giả sử bạn trong vai trò của một HLV, đứng quan sát toàn đội tập luyện và thi đấu, tương tác với nhau, kỹ năng từng cá nhân… Vị trí quan sát tốt nhất chính là từ một khoảng cách Đây là điều Heifetz và Linsky muốn nói về “Góc nhìn chiến lược”. Các nhà quản lý và lãnh đạo hiện đại cần chú trọng trau dồi khả năng quan sát, tách khỏi cái bẫy “thiển cận” này để có được góc nhìn tổng quan giữa bộn bề yếu tố xao nhãng.

Có một trường hợp điển hình, đó chính là “Cuộc khủng hoảng Tylenol”. Vào năm 1982, một loạt các ca tử vong được báo cáo ở Chicago có liên quan đến việc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn Tylenol. Điều tra cho thấy một số chai Tylenol đã bị nhiễm xyanua. James Burke, Giám đốc điều hành của Johnson & Johnson tại thời điểm đó, đã áp dụng góc nhìn chiến lược này một cách xuất sắc để đánh giá tình hình, hiểu nỗi lo lắng của công chúng và ông đưa ra quyết định rất táo bạo nhưng vô cùng đúng đắn là rút Tylenol khỏi kệ hàng, ngay cả khi phải chịu tổn thất tài chính hết sức đáng kể. Cách xử lý này của Johnson & Johnson đã cho thấy việc đặt ưu tiên cao nhất về sự an toàn của công chúng lên hàng đầu, góp phần giải quyết khủng hoảng một cách tích cực.

2. Phân biệt Thách thức Kỹ thuật với Thách thức Thích ứng

Một vấn đề kỹ thuật, như sự cố mất điện máy chủ, sẽ được chuẩn bị sẵn giải pháp xử lý hoặc dự phòng tương đối dễ dàng. Nhưng thách thức thích ứng lại đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy hoặc cách thức hoạt động giữa các nhóm và thành viên. Hiểu rõ loại thách thức đang đối mặt giúp nhà lãnh đạo lựa chọn được giải pháp phù hợp và hữu hiệu. Đối với một thách thức thích ứng, như thay đổi văn hóa công ty từ hiện trạng rời rạc sang hợp tác, lại đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác.

Việc xử lý một thách thức thích ứng thường cần phải được thử nghiệm nhiều cách tiếp cận, giải quyết vấn đề theo từng đầu mối và rất thường xuyên sẽ vấp phải một số phản ứng khó chịu khi mọi người được yêu cầu bước ra khỏi vùng an toàn của họ.

Giả sử khi công ty đang đánh mất dần thị phần. Câu hỏi đặt ra cho đội ngũ quản lý và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là nguyên nhân đó có phải là do vấn đề kỹ thuật không (ví dụ: chiến dịch tiếp thị không đạt hiệu quả như kỳ vọng)? Hay đó là một thách thức thích ứng (ví dụ: sản phẩm của công ty không còn phù hợp với thị hiếu của khách hàng mục tiêu hiện tại)? Hiển nhiên, mỗi thách thức sẽ cần giải pháp hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc xác định đúng vấn đề là bước quan trọng trước nhất.

3. Thực hành Lãnh đạo, thay vì Áp đặt

Việc yêu cầu nhân sự thực hiện theo nhiệm vụ được giao là nhằm giúp cho công việc được triển khai và đạt theo tiêu chuẩn cần có. Thay vì áp đặt mệnh lệnh, nhà lãnh đạo thích ứng tập trung xoay quanh việc xác định thách thức ưu tiên trong từng thời điểm, huy động mọi người cùng nguồn lực để giải quyết khó khăn và hướng dẫn đội ngũ vượt qua những tổn thất, bất ổn và lo lắng không thể tránh khỏi trong quá trình hướng đến sự thay đổi.

Adaptive Leadership

Huy động và vận dụng sức mạnh chung toàn tập thể để cùng giải quyết thách thức một cách tối ưu

Chúng ta cùng xem xét trong một trường hợp mà Giám đốc điều hành muốn thực hiện một chiến lược mới, nhưng vấp phải sự “chưa ủng hộ” từ ban quản lý cấp trung. Một nhà lãnh đạo thích ứng thực thụ sẽ không chỉ ra lệnh bắt mọi người thay đổi bằng quy định hay chế tài một cách cứng nhắc. Trong tình huống này, nhà lãnh đạo phong cách thích ứng sẽ chủ động tham gia vào đối thoại, tìm hiểu rõ những thách thức và trở ngại hiện tại của đội ngũ, lắng nghe tâm tư và đề xuất đa chiều từ các cấp và tìm cách thu hút được sự đồng thuận của mọi người cho giải pháp.

4. Tham gia Đối thoại Chủ động

Thay đổi thường gặp phải sự phản kháng, và thậm chí, là xung đột từ một phần lớn đội ngũ nhân sự hiện tại. Đó là phản ứng bình thường và dễ gặp phải ở bất kỳ môi trường nào. Do đó, những nhà lãnh đạo thích ứng không nên né tránh những cuộc đối thoại khó khăn này. Thay vào đó, họ sẽ cần chủ động tạo ra một không gian thảo luận mở, mang tính xây dựng và công khai, giúp nơi các ý kiến ​​bất đồng có thể được đưa ra, nơi những điều “không thể thảo luận” có thể được chia sẻ và nơi mọi người có thể cùng nhau giải quyết những quan điểm đó một cách minh bạch.

5. Tiếp cận Chính trị

Với cách tiếp cận vấn đề toàn diện hơn, phong cách lãnh đạo thích ứng thường phá vỡ động lực quyền lực hiện có trong một tổ chức. Sự thay đổi thực sự là một trở ngại với những người đang quen thuộc hoặc ưa chuộng những phong cách lãnh đạo khác (như phong cách Chuyên quyền, Ủy thác…) hoặc chỉ đơn giản là những người không thích phải đụng vào những vấn đề mang tính “bè phái”.

Đứng trước mỗi thách thức, các nhà lãnh đạo thích ứng sẽ cần có sự thấu hiểu quan điểm của các bên liên quan, nắm vững được lợi ích của họ, hiểu rõ về động lực nội tại hoặc ngoại tại (ví dụ như thông qua phân tích tính cách DISC) cũng như sự tận tâm và cống hiến của họ dành cho tổ chức và những tổn thất tiềm ẩn mà họ có thể gặp phải. Từ đó, các nhà lãnh đạo sẽ dễ dàng xây dựng được những chiến lược của mình để thu hút được sự ủng hộ cần thiết, xây dựng liên minh then chốt, tăng cường quản lý sự phản kháng và điều hướng môi trường chính trị một cách hiệu quả với nổ lực không quá đáng kể.

Xây dựng Kỹ năng Lãnh đạo Thích ứng

Trở thành một nhà lãnh đạo thích ứng là cả một hành trình không hề dễ dàng. Quá trình này đòi hỏi những nhà quản lý và lãnh đạo hiện đại phải liên tục học hỏi, tự suy ngẫm và sẵn sàng thử nghiệm những giải pháp khác nhau để thực sự mang lại giá trị bền vững mà không chỉ là kết quả nhất thời.

Adaptive Leadership

Lãnh đạo cần đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu và hướng đến giá trị chung

Một số bước chính để thực hành và giúp những nhà quản lý và lãnh đạo tổ chức có thể tham khảo và áp dụng để rèn luyện phong cách Lãnh đạo Thích ứng như sau:

1. Nâng cao Nhận thức về Bản thân

Hiểu phong cách lãnh đạo phù hợp của riêng bạn, điểm mạnh và điểm yếu của bạn, và phản ứng mặc định của bạn đối với những thách thức. Bạn có thể tham khảo Phong cách Lãnh đạo Tình huống (Situational Leadership) để nhận biết và lựa chọn linh hoạt phong cách thích hợp nhất với hoàn cảnh.

2. Tâm thế Học tập Suốt đời

Kiến thức là vô tận. Hãy luôn giữ tâm thế và tư duy tò mò về mọi thứ. Đọc và nghiên cứu đa dạng tài liệu, sách báo và tham gia những hội nghị chuyên ngành phù hợp để bổ sung kiến thức đồng thời bổ sung cho bản thân nhiều góc nhìn từ những chuyên gia đầu ngành. Tìm kiếm những quan điểm đa dạng về chủ đề chúng ta quan tâm. Và, chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận phản biện, góp ý mang tính xây dựng cùng việc thường xuyên thách thức chính những giả định của bản thân.

3. Thực hành “Góc nhìn Chiến lược” thường xuyên

Hãy dành những quãng thời gian cụ thể và định kỳ để bản thân có dịp lùi lại và suy ngẫm về các tình huống đã trải qua. Chúng ta tự hỏi bản thân về “Điều gì thực sự đang xảy ra ở đây? Các vấn đề cơ bản là gì? Các quan điểm khác nhau xoay quanh cùng vấn đề sẽ như thế nào? Nếu gặp lại tình huống tương tự, liệu chúng ta sẽ làm điều gì khác đi để tốt hơn?”

Việc nhìn lại và suy ngẫm về sự kiện đã diễn ra (Retrospective) được áp định kỳ và rộng khá rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt trong giới công nghệ và những công ty startup. Khi thực hiện thường xuyên, hoạt động này sẽ cung cấp cho đội ngũ một “không gian an toàn” và thói quen tư duy sâu cùng phản hồi đa chiều, mang tính xây dựng để phân tích các tình huống phức tạp, xác định các vấn đề cốt lõi và cân nhắc các hướng hành động khác tốt hơn trong tương lai.

4. Phát triển khả năng Tham gia Đối thoại Chủ động

Song song đó, việc nắm vững khả năng lắng nghe tích cực, đồng cảm và giao tiếp một cách cụ thể, rõ ràng đóng vai trò nền tảng chủ đạo trong xuyên suốt quá trình giao tiếp. Những nhà quản lý và lãnh đạo rất cần học cách đưa ra và nhận phản hồi một cách hiệu quả để phát triển, nâng cao năng lực của thành viên trong tổ chức chúng ta với một phong cách tiếp cận tôn trọng ý kiến và sẵn sàng học hỏi.

Adaptive Leadership

Phong cách Lãnh đạo Thích ứng hướng đến cách tiếp cận và xử lý vấn đề một cách căn cơ và toàn diện

Trong bối cảnh VUCA và BANI nhiều biến động và diễn biến phức tạp trên bối cảnh toàn cầu hiện nay, phong cách Lãnh đạo Thích ứng ngày càng trở thành một cách tiếp cận thực tiễn và thiết yếu để điều hướng đội ngũ và doanh nghiệp trước sự phức tạp của bức tranh kinh tế ngày nay. Bằng cách nắm bắt các nguyên tắc cốt lõi cùng việc tích cực phát triển năng lực thích ứng, bạn hoàn toàn có thể trở thành một nhà quản lý hoặc lãnh đạo hiệu quả vượt bậc có đầy đủ “Tâm – Tầm – Tài”, trang bị cho mình khả năng dẫn dắt đội ngũ và tổ chức xuất sắc để từng bước vượt qua sự thay đổi và bất ổn một cách vững chắc trong bối cảnh mới để cùng hướng tới một tương lai thịnh vượng, vững bền.

Thông tin thêm:

None found

Facebook
LinkedIn
Twitter
Bình luận