Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, sự biến động và gián đoạn liên tục đối với nền kinh tế chung đã không còn là ngoại lệ mà đang trở thành quy luật mới trong toàn cầu. Vai trò của người lãnh đạo đã vượt xa khỏi những định nghĩa truyền thống. Không chỉ đơn thuần là người quản lý, nhà lãnh đạo thời đại VUCA – BANI cần là người định hướng, đồng hành và dẫn dắt đội ngũ vượt qua từng thử thách, từng biến động. Họ cần sự linh hoạt để thích ứng với mọi tình huống, khả năng truyền lửa cho đội ngũ, và bản lĩnh kiến tạo niềm tin vững chắc, để cùng nhau chinh phục những mục tiêu chung.
Trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất kỳ ai, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu hành trình “làm sếp”. Không chỉ đơn giản là “chỉ tay năm ngón” hay vẽ ra một “tầm nhìn vĩ đại” và thế là mọi việc mặc định được tự động hoàn thành. Một người lãnh đạo thực sự hiệu quả cần thấu hiểu đội ngũ, nắm bắt tình huống, và điều chỉnh phong cách lãnh đạo cho phù hợp. Họ là “ngọn hải đăng” soi đường, dẫn dắt tổ chức không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, khơi dậy sự đổi mới và trao quyền cho đội ngũ để ngày càng trưởng thành, vươn tới sự tự tin và năng lực vượt trội.
Khả năng tùy biến phong cách lãnh đạo
Hãy hình dung việc lãnh đạo như một trò chơi xếp hình, nơi bạn cần tìm cách sắp xếp những khối hình với hình dạng khác nhau vào đúng vị trí của nó. Tương tự, trong thực tế, khi dẫn dắt một đội ngũ đa dạng về năng lực và tính cách, thách thức lớn nhất của người lãnh đạo chính là phân bổ công việc sao cho “đúng người đúng việc” để đạt hiệu quả tối ưu và chinh phục những mục tiêu đầy thách thức. Và đó là lúc nghệ thuật Lãnh đạo Tình huống phát huy sức mạnh.
Lãnh đạo Tình huống là phương pháp quản lý mà người lãnh đạo sẽ điều chỉnh phong cách lãnh đạo của mình dựa trên tình huống cụ thể và nhu cầu hoặc khả năng sẵn sàng của các thành viên. Khác với lãnh đạo truyền thống thường áp dụng chỉ một phong cách cứng nhắc, một nhà lãnh đạo tình huống nhận ra rằng sẽ không có giải pháp chung cho tất cả. Người lãnh đạo sẽ linh hoạt “biến hóa” phong cách của mình, từ Chỉ đạo, Hỗ trợ đến Huấn luyện và Ủy quyền, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của từng cá nhân và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Sự phát triển của đội ngũ làm nền tảng
Lãnh đạo Tình huống không chỉ là sự thay đổi bên ngoài, mấu chốt đến từ sự thấu hiểu sâu sắc của người đứng đầu. Người lãnh đạo cần nắm vững mục tiêu, xác định ưu tiên, phân tích cơ hội và rủi ro, đồng thời có khả năng sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Mô hình Lãnh đạo Tình huống cung cấp khuôn khổ để các nhà quản lý và lãnh đạo có thể áp dụng linh hoạt bốn phong cách lãnh đạo một cách linh hoạt trong suốt hành trình phát triển của đội ngũ.
Chỉ đạo (hoặc Cầm tay chỉ việc): Khi đội ngũ còn non trẻ hoặc đối mặt với nhiệm vụ phức tạp, phong cách Chỉ đạo với những hướng dẫn rõ ràng và giám sát chặt chẽ sẽ giúp họ vững bước và tự tin hoàn thành công việc.
Huấn luyện (hoặc Đào tạo): Khi đội ngũ đã có kinh nghiệm, phong cách Huấn luyện sẽ giúp bồi dưỡng thêm những kỹ năng cần thiết, đặt ra lộ trình phát triển rõ ràng, và khích lệ họ tiến về phía trước.
Hỗ trợ (hoặc Giám sát): Khi thành viên có năng lực nhưng thiếu tự tin, phong cách Hỗ trợ sẽ giúp xây dựng niềm tin, khuyến khích sự hợp tác, và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tiềm năng.
Ủy quyền (hay Ủy thác): Với những đội ngũ “tinh nhuệ”, có khả năng tự chủ và hiệu suất cao, phong cách Ủy quyền sẽ trao cho họ không gian để tự do sáng tạo, đưa ra quyết định, và chịu trách nhiệm với thành quả của mình.
Nắm bắt nhịp điệu của đội ngũ
Cũng giống như một mầm cây vươn mình phát triển qua các giai đoạn sinh trưởng, đội ngũ cùng bạn cũng sẽ trải qua những bước phát triển trong suốt hành trình. Mỗi giai đoạn có những đặc điểm khác nhau, mang đến những thử thách và đòi hỏi có cách tiếp cận lãnh đạo phù hợp.
Giai đoạn Hình thành: Sự hào hứng và rất nhiều những ý tưởng mới của tất cả thành viên ở giai đoạn này khó tránh khỏi sự phân vân ban đầu. Vai trò của người lãnh đạo lúc này sẽ thiên về phong cách Chỉ đạo như là “kim chỉ nam”, cung cấp định hướng và duy trì cấu trúc cũng như sự rõ ràng thông tin cho đội ngũ.
Giai đoạn Xung đột: Khi các thành viên tiến hành làm việc cùng nhau, những mâu thuẫn và bất đồng bắt đầu xuất hiện là điều không tránh khỏi. Phong cách Huấn luyện giúp định hướng vượt qua những thách thức này, thúc đẩy trao đổi và hợp tác tích cực.
Giai đoạn Ổn định: Ở giai đoạn này, niềm tin và sự gắn kết được vun đắp cũng là lúc tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự tự mãn và chủ quan ở bất kỳ vị trí nào. Lãnh đạo Hỗ trợ sẽ tiếp thêm “lửa”, khuyến khích sự phát triển và đổi mới không ngừng.
Giai đoạn Thể hiện: Một khi đội ngũ hoạt động ăn ý, hiệu quả, đạt được mục tiêu và vượt xa kỳ vọng, cách tiếp cận theo phong cách Ủy quyền trao cho các thành viên thêm “đôi cánh” để tiếp tục bay cao và phát huy hết tiềm năng.
Lãnh đạo Tình huống là một hành trình không ngừng thay đổi và thích nghi. Người lãnh đạo xuất sắc luôn biết cách đánh giá kỹ năng, sự tự tin của đội ngũ và nhu cầu của nhiệm vụ để chọn ra phong cách lãnh đạo phù hợp nhất. Bí quyết thành công không nằm ở việc bảo thủ với một phong cách cố định, mà ở khả năng nhận diện giai đoạn phát triển của đội ngũ, từ đó điều chỉnh và linh hoạt chuyển đổi phương pháp tiếp cận theo tiến trình phát triển của đội ngũ.
Như vậy, chính sự linh hoạt đó sẽ giúp bạn và đội ngũ vượt qua mọi thách thức, vươn tới những mục tiêu lớn lao. Bằng cách không ngừng học hỏi và điều chỉnh, bạn không chỉ xây dựng nên một đội ngũ vững mạnh, mà còn gia tăng cơ hội chinh phục những đỉnh cao mới.