You are here:

OKR cho Startup: “Vũ Khí Bí Mật” Giúp Startup Cất Cánh

Áp dụng một cách chọn lọc một số nguyên lý quản trị OKR cho startup không quá phức tạp như bạn nghĩ. Và những lợi ích mà OKR mang lại vô cùng "đáng nể".
Picture of OKR.BUSINESS

OKR.BUSINESS

Nền tảng huấn luyện và đào tạo nhân tài
Thành công cùng OKR

Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 4/2024, cả nước có thêm 15.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Bạn có bao giờ tự hỏi, giữa hàng trăm nghìn startup hoặc công ty mới ra đời mỗi năm chỉ tính riêng tại Việt Nam, tại sao chỉ một số ít có thể thành công vượt trội và để lại dấu ấn trong lòng người tiêu dùng? Bí quyết nằm ở đâu? Liệu có một “công thức bí mật” nào giúp các startup non trẻ vượt qua muôn vàn khó khăn và đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc?

Câu trả lời nằm ở một “vũ khí bí mật” mang tên OKR. Đây không phải là một loại một thuật ngữ công nghệ cao siêu. OKR là viết tắt của Objectives and Key Results (Mục tiêu và Kết quả Then chốt) – một framework quản lý mục tiêu đang được rất nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Intel, LinkedIn, Twitter, Spotify hay Airbnb và hơn 53% startup công nghệ trên toàn thế giới (theo khảo sát từ Weekdone 2021) áp dụng và gặt hái được nhiều thành công vang dội. Vậy áp dụng OKR cho startup có gì đặc biệt mà lại được ưa chuộng đến vậy?

 

OKR – Ngôi sao Bắc Đẩu cho doanh nghiệp và startup

OKR không chỉ đơn thuần là một công cụ quản lý mục tiêu, mà còn như là ngôi sao Bắc Đẩu, giúp startup luôn xác định rõ hướng đi, kịp thời điều chỉnh và tập trung nguồn lực cho những mục tiêu quan trọng nhất.

  • Minh bạch và tập trung: Với OKR, mọi thành viên trong công ty đều hiểu rõ mục tiêu chung của công ty là gì, cũng như mục tiêu cụ thể của từng phòng ban, từng cá nhân. Điều này giúp mọi người làm việc cùng một hướng, tránh lãng phí thời gian và công sức vào những việc không cần thiết hoặc không đồng bộ với mục tiêu chung. Mỗi cá nhân đều hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào thành công của đơn vị và công ty mình cống hiến.
  • Đo lường và cải tiến liên tục: Áp dụng OKR cho startup sẽ chỉ tập trung vào kết quả then chốt, và cần đo lường được. Kết quả then chốt có thể dễ hiểu là kết quả mang tính chất sống còn với doanh nghiệp (ví dụ như dòng tiền phải không âm). Điều này giúp startup dễ dàng xác định được hiệu quả công việc cần thiết, từ đó đưa ra những quyết định cải tiến kịp thời. Bằng cách theo dõi và phân tích kết quả, startup có thể nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu, và cơ hội để cải thiện, từ đó tối ưu hóa hiệu suất hoạt động. Đặc biệt hơn, tránh bị xao lãng bởi những chỉ số mang tính thời trang hoặc “nghe có vẻ thú vị”.
  • Linh hoạt và thích ứng: Thị trường startup luôn biến động không ngừng, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện đại từ VUCA (Volatility, Uncertainty, Complexity and Ambiguity, có thể được hiểu là Biến động, Bất định, Phức tạp và Mơ hồ) đến BANI (Brittle, Anxiety, Non-linearity and Incomprehensibility, có thể được hiểu là Mong manh, Lo âu, Phi tuyến tính và Khó đoán) ngày nay. OKR giúp startup kịp thời nhận ra biến đổi cần thiết và nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đó bằng cách điều chỉnh mục tiêu và kế hoạch một cách linh hoạt. Thay vì cứng nhắc bám víu vào một kế hoạch 3 tháng, 6 tháng đã định sẵn, OKR khuyến khích sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng sẵn sàng thích nghi với những tình huống bất ngờ.
VUCA

Doanh nghiệp cần hết sức linh hoạt để ứng biến…

 

BANI

…trước những biến động và thay đổi liên tục từ giai đoạn VUCA đến BANI

 

Những lợi ích “đáng nể” mà OKR mang lại

OKR không chỉ giúp startup hoạt động hiệu quả hơn mà còn mang lại nhiều lợi ích khác:

  • Tối ưu hóa nguồn lực: Startup thường có nguồn lực hết sức hạn chế về tài chính, nhân sự và thời gian. OKR giúp startup xác định và chỉ tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất, từ đó sử dụng nguồn lực một cách tối ưu. Bằng cách ưu tiên những việc quan trọng mang tính sống còn, startup vẫn có thể đạt được kết quả hơn với ít nguồn lực hơn.
  • Tăng cường gắn kết đội ngũ: Khi mọi người cùng làm việc hướng tới một mục tiêu chung, tinh thần đồng đội và sự gắn kết sẽ được tăng cường. OKR tạo điều kiện cho một môi trường làm việc cởi mở, nơi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu chung.
  • “Đánh cắp” trái tim nhà đầu tư: OKR thể hiện sự chuyên nghiệp, tầm nhìn và sự tập trung cần thiết của startup, giúp thu hút và gia tăng đáng kể sự quan tâm của các nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư thấy rằng startup có một hệ thống quản lý mục tiêu rõ ràng, minh bạch và hiệu quả, họ sẽ tin tưởng hơn vào khả năng thành công của startup và tăng tỉ lệ quyết định đầu tư vào đó.
  • Tạo “lửa” cho công việc: OKR giúp mỗi cá nhân nhìn thấy rõ ràng mục tiêu của mình, cũng như giá trị và cách thức họ đóng góp vào thành công chung của cả tổ chức. Điều này tạo ra động lực làm việc mạnh mẽ, giúp nhân viên cảm thấy có động lực và có ý nghĩa trong công việc của mình.
  • Thúc đẩy sự đổi mới: OKR khuyến khích sự sáng tạo và tìm tòi những giải pháp mới để đạt được mục tiêu thách thức “stretching” đặc trưng. Bằng cách đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng và khuyến khích nhân viên nghĩ ra những cách thức mới để đạt được kết quả x5 hoặc x10, OKR thúc đẩy tối đa sự đổi mới trong tư duy và quyết liệt phát triển của startup.

OKR và những câu chuyện thành công đầy cảm hứng

Như các bạn đã biết, nhiều công ty “kỳ lân” cũng như startup nổi tiếng thế giới đã áp dụng OKR và đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Google, Intel, LinkedIn,… đều là những “fan cứng” của OKR từ giai đoạn khởi đầu. Cùng nhìn tóm lược một vài dấu ấn tên tuổi mà các bạn rất quen thuộc:

  • Google: OKR đã giúp Google tăng trưởng thần tốc từ một công ty khởi nghiệp nhỏ bé thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Bằng cách đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng và tập trung vào việc đo lường và cải tiến liên tục, Google đã liên tục đổi mới và phát triển, trở thành một biểu tượng của sự thành công trong giới công nghệ.
  • Intel: OKR đã giúp Intel vượt qua nhiều khó khăn và trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. OKR đã giúp Intel tập trung vào việc phát triển những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
  • LinkedIn: OKR đã giúp LinkedIn xây dựng một mạng lưới kết nối chuyên nghiệp rộng lớn với hàng trăm triệu người dùng. Bằng cách đặt ra mục tiêu rõ ràng về số lượng người dùng, mức độ tương ptác và doanh thu, LinkedIn đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những mạng xã hội chuyên nghiệp lớn nhất thế giới.
Google OKR

“Huyền thoại” Google là một trong những minh chứng cho hiệu quả của OKR

 

Làm thế nào để áp dụng OKR cho startup của bạn?

Áp dụng một cách chọn lọc một số nguyên lý quản trị OKR cho startup không quá phức tạp như bạn nghĩ. Doanh nghiệp có thể tham khảo các bước chính sau:

  1. Xác định mục tiêu (Objectives): Đầu tiên và quan trọng hàng đầu là cần xác định Mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có thể đo lường được, và quan trọng nhất là phải truyền cảm hứng cho cả đội ngũ. Ví dụ, thay vì chỉ là “Thâm nhập thị trường mới”, hãy thử “Trở thành sản phẩm được yêu thích nhất tại thị trường mới trong Quý 4 2024”.
  2. Thiết lập kết quả then chốt (Key Results): Kết quả then chốt là những chỉ số quan trọng nhất, giúp bạn đo lường cụ thể tiến độ hoặc mục tiêu cần đạt được để hiện thực hóa Mục tiêu (Objectives) ở trên. Ví dụ, để đo lường mục tiêu “Trở thành sản phẩm được yêu thích nhất tại thị trường mới trong Quý 4 2024”, bạn có thể đặt ra các kết quả then chốt như “Đạt doanh số quý 1 tỷ đồng”, “Đạt tối thiểu điểm NPS 95”, hoặc “Tỉ lệ hoàn trả 0%”.
  3. Liên kết OKR của các cá nhân và liên phòng ban: Đảm bảo rằng OKR của từng cá nhân và phòng ban đều hướng tới mục tiêu chung của công ty. Điều này giúp mọi người làm việc cùng một hướng và tạo ra sự cộng hưởng trong công việc. Hãy xem xét cùng Key Results ở trên: Đạt doanh số quý 1 tỷ đồng” sẽ từ đội Sales, “Đạt tối thiểu điểm NPS 95” sẽ từ đội Sales và Customer Service, còn “Tỉ lệ hoàn trả 0%” sẽ đến từ đội Product.
  4. Theo dõi và đánh giá thường xuyên: Thường xuyên kiểm tra tiến độ đạt được mục tiêu và kết quả then chốt, từ đó đưa ra những điều chỉnh cần thiết. Việc theo dõi và đánh giá thường xuyên giúp bạn phát hiện sớm những vấn đề và rủi ro, từ đó có thể đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời. Khuyến nghị nên có “check-in” 1:1 định kỳ hàng tuần để mỗi thành viên có thể chia sẻ thông tin, trao đổi và ghi nhận phản hồi với quản lý trực tiếp. Như vậy, quản lý cũng có thể nắm bắt tiến độ hoàn thành và bất kỳ khó khăn, trở ngại của thành viên trong quá trình đạt được “Key results” của mình.
  5. Tuyên dương thành công và cùng học hỏi từ thất bại: Trong quá trình phấn đấu và tiến lên theo ngôi sao Bắc Đẩu mang tên OKR, doanh nghiệp cũng đừng quên hoặc xem nhẹ việc cùng nhau ăn mừng những thành công nhỏ trên chặng đường và rút ra bài học, chia sẻ thông tin từ những thất bại để tập thể ngày càng hoàn thiện hơn. Thành công là động lực mạnh mẽ để bạn tiếp tục cố gắng, còn thất bại là cơ hội quý giá để bạn học hỏi và trưởng thành.
Thành công cùng OKR

OKR tạo điều kiện để mỗi cá nhân đều góp phần vào việc đạt được mục tiêu chung

 

OKR không phải là “cây đũa thần”

OKR là một công cụ quản lý mục tiêu mạnh mẽ, có thể giúp startup của bạn “lên như diều gặp gió”. Mặc dù OKR mang lại nhiều lợi ích như thế, nhưng nó không phải là “cây đũa thần” giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt với startup. Để áp dụng OKR cho startup phát huy được hiệu quả tối đa, bạn còn cần các công cụ đo lường hiệu quả khác (như KPI) đồng thời phải xây dựng một đội ngũ gắn kết, sẵn sàng hợp tác và có cùng cam kết với mục tiêu chung. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xây dựng một quy trình làm việc tổng thể rõ ràng, minh bạch và hiệu quả để hỗ trợ đội ngũ của mình trong việc triển khai OKR.

Bạn đã sẵn sàng để “lên level” cùng OKR chưa? Nếu câu trả lời là có, đừng ngần ngại tìm hiểu thêm về OKR và áp dụng ngay cho startup của mình. Chúc các bạn thành công vang dội hơn nữa khi đã hiểu và áp dụng một cách linh hoạt OKR cho startup của mình!

Thông tin thêm:

None found

Facebook
LinkedIn
Twitter
Bình luận